Có nhiều bạn suy nghĩ rằng để được làm báo cáo quản trị thì phải trở thành kế toán quản trị. Suy nghĩ này chưa đúng.
Báo cáo này được làm bởi các cấp bậc trong tổ chức khi phát sinh nhu cầu báo cáo liên quan đến công việc. Tùy vào đặc thù của tổ chức mà việc này sẽ được giao cho một bộ phận chuyên trách hay kiêm nhiệm. Tùy vào năng lực nhân sự của tổ chức mà việc này có được yêu cầu ở các nhân viên của các phòng ban hay không.
Ví dụ : Phòng nhân sự được giao tổ chức tiệc cuối năm cho công ty. Họ được yêu cầu lập kế hoạch công việc, các mục tiêu cần đạt được, ngân sách, kế hoạch thu chi của việc này. Sau khi thực hiện xong họ thực hiện báo cáo kết quả các công việc, thực hiện ngân sách và so sánh với kế hoạch để giải trình cho các khoản chi. Đây là 1 dạng báo cáo quản lý được lập bởi phòng ban chuyên môn. Phòng marketing khi trình duyệt một chương trình bán hàng họ cũng phải lập kế hoạch hành động, kế hoạch doanh thu và ngân sách , P&L., Cashflow và phân tích các chỉ số hiệu quả.
Hầu hết các thắc mắc mà kế toán trưởng gởi về cho Group trong các năm qua, đa số đều liên quan đến báo cáo quản trị ( bao gồm cả báo cáo ở cấp độ quản lý). Tôi có hỏi một bạn kế toán trưởng là khi nhận mô tả công việc bạn có thấy các yêu cầu về báo cáo quản trị không ? Bạn ấy trả lời là không, bởi vì việc đó là bao gồm trong các công việc của kế toán trưởng rồi.
Có nhiều bạn nghĩ là muốn trở thành kế toán quản trị để không phải làm công việc kế toán. Nhưng thực ra, một kế toán ở level càng cao thì họ càng liên quan nhiều đến báo cáo quản trị.
Kế toán quản trị không phải là 1 công việc tách rời khỏi mảng công việc của một kế toán. Nó cũng không phải là một công việc chỉ được thực hiện bởi kế toán. Nó bao gồm, liên quan và hỗ trợ cho nhau và có nhiều mức độ, phục vụ cho nhiều cấp lãnh đạo trong tổ chức từ phục vụ thông tin cho nhà quản lý trong vận hành hàng ngày đến cung cấp thông tin của việc ra quyết định.